THÍ ĐIỂM VẬT LIỆU THAY CÁT SAN LẤP CÔNG TRÌNH
Phương án sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp được xem là giải pháp “lưỡng dụng”, vừa giúp các địa phương giảm áp lực về nguồn cát san lấp vừa giải quyết lượng tro xỉ đang tồn đọng rất lớn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.
Từ miền Đông Nam Bộ, TP.HCM đến ĐBSCL đều đang cần cát để san lấp cho các công trình giao thông quan trọng. Ngoài các công trình giao thông trọng điểm, hiện các địa phương vẫn cần nguồn cát san lấp để xây dựng các tuyến đường nội tỉnh, khu công nghiệp… Chính vì vậy, sớm có phương án sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp được xem là giải pháp “lưỡng dụng”, vừa giúp các địa phương giảm áp lực về nguồn cát san lấp vừa giải quyết lượng tro xỉ đang tồn đọng rất lớn.
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025 khu vực ĐBSCL triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp cho các dự án khoảng 55,5 triệu m3. Mặc dù các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép mỏ vật liệu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tuy nhiên vấn đề khó khăn đối với các dự án vẫn là nguồn vật liệu cát đắp nền.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã ưu tiên toàn bộ các mỏ trên địa bàn để cung ứng cho các dự án với tổng trữ lượng khoảng 43 triệu m3 (bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển), nhưng vẫn còn thiếu khoảng 18 triệu m3.
Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã đề xuất Thủ tướng cho sử dụng vật liệu tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện để san lấp đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp. TP Cần Thơ không chỉ có dự án đường cao tốc mà còn triển khai làm quốc lộ 91, các tuyến đường tỉnh và rất nhiều công trình giao thông kết nối đường cao tốc với các tuyến đường khác. Tất cả các dự án này đều cần vật liệu san lấp với khối lượng rất lớn. Từ nay đến giai đoạn 2026-2027, TP Cần Thơ cần 20 triệu m3 vật liệu để làm các công trình giao thông trọng điểm, KCN, khu thương mại dịch vụ... TP Cần Thơ rất mong được thí điểm sử dụng cát biển, tro xỉ làm vật liệu san lấp để giải quyết về nhu cầu trong thời gian tới. Tín hiệu đáng mừng là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý và chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT hướng dẫn cho các địa phương thực hiện thí điểm.
Trong khi đó, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho tro xỉ dù đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu san lấp. Hiện tổng lượng tro xỉ trong các bãi chứa của Trung tâm Điện lực Duyên Hải là trên 4,2 triệu tấn.
Ông Ngô Văn Sỹ - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (đơn vị được EVNGENCO1 giao quản lý vận hành 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng) cho biết, việc xử lý, sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện được Chính phủ rất quan tâm.
Cụ thể, Quyết định số 452/2017/QĐ-CP ngày 12/4/2017 hay Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng cũng đều hướng đến việc khuyến khích việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ sở phát thải đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo trên của Thủ tướng. Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu, đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong thi công các công trình giao thông (đường cấp III trở xuống); hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông.
Có thể nói đây là hướng mở để các địa phương có thêm một nguồn vật liệu cung cấp cho xây dựng; giảm áp lực trong việc tìm nguồn cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm. Đây cũng là cách giúp giải tỏa hơn 4 triệu tấn tro xỉ tồn đọng hiện nay cũng như lượng tro xỉ sẽ tiếp tục phát sinh trong thời gian tới.
Nguồn: sggp.org.vn