Từ ngày 01/01/2024, Thông tư số 04/2023/TT-BXD ngày 30/6/2023 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD chính thức có hiệu lực thi hành.
Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BXD là Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD).
Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD.
QCVN 16:2023/BXD quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa VLXD nêu trong Bảng 1, Phần 2, thuộc nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
QCVN 16:2023/BXD không áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa VLXD nhập khẩu dưới dạng mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu; mẫu hàng để thử nghiệm…
Đáng chú ý, QCVN 16:2023/BXD dành 1 chương quy định những quy chuẩn đối với sản phẩm nội thất.
Việc ban hành quy chuẩn mới với vật liệu nội thất, sản phẩm gỗ công nghiệp sẽ giúp những loại vật liệu này an toàn, thân thiện hơn với người sử dụng.
Trước đó, Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD chỉ có 2 vật liệu liên quan đến nội thất là sơn tường dạng nhũ tương và tấm thạch cao. Nhưng đến phiên bản lần này đã bổ sung thêm 2 loại vật liệu nội thất là vật liệu giấy dán tường và các sản phẩm gỗ công nghiệp.
Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới đối với các vật liệu nội thất nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người sử dụng. Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD là bắt buộc áp dụng đối với các sản phẩm vật liệu nội thất, đưa ra các ngưỡng an toàn mà nhà sản xuất phải tuân thủ khi sản xuất các sản phẩm gỗ công nghiệp.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, QCVN 16:2023/BXD đưa ra các ngưỡng về phát thải kim loại nặng đối với giấy dán tường, phát tán hàm lượng formaldehyt đối với các loại ván gỗ công nghiệp gồm ván sợi, ván dăm và ván thanh. Và ngưỡng phát thải của các chất hữu cơ dễ bay hơi cho sơn tường dạng nhũ tương, còn một chỉ tiêu nữa là hàm lượng S02 dễ bay hơi đối với vật liệu thạch cao.
QCVN 16:2023/BXD cũng quy định về độ bền uốn, độ bền kéo, độ trương nở chiều dày khi ngâm nước của gỗ công nghiệp.
Các ngưỡng này được ban hành đều hướng tới mục tiêu an toàn tối đa, bảo vệ sức khỏe người tiếp xúc với các vật liệu. Các vật liệu nội thất thường được sử dụng bên trong nhà, trong không gian gần kín nên việc phát tán các chất độc hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
QCVN 16:2023/BXD cũng đưa ra các ngưỡng tối thiểu về độ bền, độ uốn VLXD nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, giúp họ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt.
Các sản phẩm vật liệu gỗ công nghiệp được sản xuất trong nước thì các sản phẩm gỗ công nghiệp nhập khẩu cũng phải tuân thủ QCVN 16:2023/BXD.
Trước khi Bộ Xây dựng ban hành QCVN 16:2023/BXD, trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đã có các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm gỗ công nghiệp với các ngưỡng kỹ thuật về độ bền, phát thải formaldehyt nhưng không bắt buộc phải tuân thủ, áp dụng. Thông tư số 04/2023/TT-BXD đã nâng các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm gỗ công nghiệp lên thành quy chuẩn, bắt buộc tuân thủ.
Khi QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực, ngoài việc các sản phẩm hàng hóa VLXD sẽ an toàn hơn, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cũng có căn cứ để thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý.
Nguồn: Tạp Chí Xây Dựng